Câu hỏi:
Tôi muốn hỏi, Từ ngày 1/7, các lao động có trả công, tiền lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của NSDLĐ đều phải tham gia bảo hiểm bắt buộc. Vậy, Lao động học việc có phải tham gia bảo hiểm bắt buộc không?
Trả lời:
Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định về một trong những nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Khoản 1 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Khoản 3 Điều 61 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Khoản 2,3 Điều 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định về các nội dung phải có trong hợp đồng đào tạo:
“…
2. Hợp đồng đào tạo phải có các nội dung sau đây:
a) Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được;
b) Địa điểm đào tạo;
c) Thời gian hoàn thành khóa học;
d) Mức học phí và phương thức thanh toán học phí;
đ) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
e) Thanh lý hợp đồng;
g) Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Trường hợp doanh nghiệp tuyển người vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo ngoài những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này còn có các nội dung sau đây:
a) Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
b) Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
c) Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.”
Căn cứ các quy định trên, hợp đồng đào tạo nghề là thoả thuận giữa người đứng đầu cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lớp đào tạo nghề, tổ chức, cá nhân và người học tham gia chương trình đào tạo nhằm mục đích đào tạo nghề, trong đó nêu rõ quyền và nghĩa vụ, mức phí đào tạo, cam kết của các bên sau thời gian đào tạo. Khác với hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề không nhằm mục đích cung cấp sức lao động để nhận lương.
Vì vậy, việc người học nghề chỉ tham gia đào tạo, không trực tiếp tham gia lao động, không có lương thì sẽ không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.