Hợp đồng lao động có được phép ghi thêm điều khoản không được ký HĐLĐ với công ty đối thủ?
Câu hỏi:
Tôi đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng lao động về công việc mới với vị trí nhân viên kỹ thuật tại một công ty. Trong khi đọc hợp đồng, tại điều khoản số 10.2 có ghi: Sau khi nghỉ làm, Người lao động không được làm cho đối thủ cạnh tranh trong phạm vi bán kính 10km so với công ty cũ. Cho tôi hỏi điều khoản này trong hợp đồng có hạn chế quyền tự do làm việc người người lao động không? Việc quy định tại hợp đồng như vậy có vi phạm pháp luật lao động không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.”
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 quy định về một trong các quyền của người lao động: “Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.” và theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định về Quyền làm việc của người lao động: “Được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.”
Như vậy, đối chiếu theo những quy định trên, người lao động hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc, miễn là việc làm và nơi làm việc đó không trái với quy định pháp luật. Công ty không có quyền cấm người lao động của mình khi nghỉ việc không được làm cho công ty của đối thủ, dù ở bất kỳ thời gian nào.
Do vậy, việc hợp đồng lao động ghi thêm điều khoản: không được ký Hợp đồng lao động với công ty khác là đối thủ cạnh tranh sau 6 tháng nghỉ việc tại công ty đó là vi phạm quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, người lao động có thể nắm được các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động. Việc rò rỉ những thông tin quan trọng đó có thể dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh một số lĩnh vực đặc thù. Để có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người sử dụng lao động, pháp luật Việt Nam cũng có một số quy định liên quan đến việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
"Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.”
Tức Người sử dụng lao động và Người lao động có thể thỏa thuận về việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ trong thời gian làm việc theo hợp đồng và cả sau khi nghỉ việc, và nếu vi phạm thì sẽ bị bồi thường theo như thỏa thuận. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hai bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng lao động: Người lao động không bị hạn chế quyền tự do làm việc, lựa chọn nơi làm và Người sử dụng lao động vẫn có thể được bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ.