Thắc mắc của người lao động về xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang mang thai?
Câu hỏi:
Hiện nay, tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng tháng thứ 8, thế nên đi lại khá khó khăn, trong lúc vội vã di chuyển đến phòng họp để tham dự cuộc họp quan trọng, tôi vô tình làm rơi chiếc máy tính xách tay được công ty cấp. Chiếc máy tính va đập mạnh xuống sàn nhà, dẫn đến hư hỏng nặng phần cứng, và không thể sửa chữa. Phía công ty yêu cầu tôi bồi thường thiệt hại đối với việc làm hỏng máy tính của công ty. Tôi muốn hỏi công ty có được phép xử lý bồi thường thiệt hại đối với tôi trong trường hợp này hay không?
Câu trả lời:
Căn cứ khoản 1 điều 129 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“Điều 129. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.”
Tuy nhiên căn cứ khoản 2 Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 quy định :
“Điều 72. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại
2. Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động đang trong thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động.”
Khoản 4 Điều 122 Bộ luật lao động 2019 quy định các trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, chị làm hỏng máy tính xách tay do công ty giao để làm việc, sẽ phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, nhưng do chị đang mang thai nên Công ty không được xử lý bồi thường thiệt hại trong thời gian này.
Để xử lý bồi thường thiệt hại đối với những trường hợp thuộc khoản 4 điều 122 Bộ luật lao động 2019 thì căn cứ theo khoản 1 và khoản 3 Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại
1. Thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại là 06 tháng, kể từ ngày người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
3. Khi hết thời gian quy định tại khoản 4 Điều 122 của Bộ luật Lao động, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.”