Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thành lập ngày 04/02/2015 theo Quyết định số 112/QĐ-CĐBĐ của Công đoàn Bưu điện Việt Nam (nay là Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam) là Công đoàn cấp trên cơ sở, có tư cách pháp nhân, có quyền và nghĩa vụ dân sự theo Luật định, được sử dụng con dấu theo tên gọi, được mở tài khoản tại ngân hàng, được tổ chức các hoạt động theo Luật Công đoàn và theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tên gọi: Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, viết tắt là Công đoàn VNPT.
Tên giao dịch Quốc tế: Vietnam Posts and Telecommunications Workers’ Union, viết tắt là VNPTWU.
Trụ sở chính: Tầng 8, tòa nhà VNPT, 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam:
Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương công tác của công đoàn cấp trên và nghị quyết Đại hội Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Tham gia với Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam về quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế của Tập đoàn, tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Phối hợp với Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động; đại diện cho đoàn viên và người lao động ký Thoả ước lao động tập thể với Tổng giám đốc phù hợp với các quy định của pháp luật; tham gia các Hội đồng của Tập đoàn để giải quyết các vấn đề có liên quan đến đoàn viên, người lao động. Tổ chức phong trào thi đua yêu nước.
Chỉ đạo các công đoàn cơ sở và đơn vị trực thuộc tham gia quản lý; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Quyết định thành lập hoặc giải thể các công đoàn cơ sở, đơn vị trực trực thuộc Công đoàn VNPT. Thực hiện công tác cán bộ theo sự phân cấp của Công đoàn Bưu điện Việt Nam, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Phối hợp với Liên đoàn Lao động địa phương, công đoàn các khu công nghiệp đối với công đoàn cơ sở, cơ sở thành viên của Tập đoàn đóng tại địa phương, hoặc khu công nghiệp thực hiện các nội dung nhiệm vụ quy định tại điểm đ, khoản 4 điều 30, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Quản lý tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo quy định của pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và phân cấp của Công đoàn Bưu điện Việt Nam.
Cơ cấu bộ máy Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, bao gồm:
Ban Chấp hành Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Ban Chấp hành Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam gồm 30 Uỷ viên, số lượng Uỷ viên Ban thường vụ bằng 1/3 số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành, trong đó có 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và các Uỷ viên Ban Thường vụ.
Ban Thường vụ Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, số lượng 9 uỷ viên gồm: 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và các uỷ viên thường vụ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Uỷ Ban Kiểm tra của Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam:
Uỷ Ban Kiểm tra, Chủ nhiệm UBKT lâm thời Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, số lượng 09 uỷ viên.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ Ban Kiểm tra Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, thực hiện theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Biên chế cán bộ chuyên trách của Cơ quan Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam không quá 15 người./.