Anh hùng Lao động Châu Văn Huy giữ vững thông tin liên lạc
Thứ Sáu, 11/07/2025 16:58
Lượt xem: 8
Đây là bài báo của tác giả Hoài Phương in trên trang 3 báo Nhân Dân ra ngày thứ 6, 4/5/1962. Bài viết chỉ chiếm ¼ trang giấy, đã kể về một tấm gương của ngành Bưu điện năm xưa, một chiến sỹ thông tin liên lạc vì mạch máu thông tin đã làm tròn nhiệm vụ của mình trên khắp các mặt trận Thừa Thiên – Quảng Trị, PanaPhao, Napê và ngay cả tại Hà Nội.
Anh hùng lao động Châu Văn Huy (năm 1962)
Từ tổng đài Bờ Hồ, theo một hệ thống đường cống ngầm nằm sâu dưới đất, những sợi dây cáp tỏa ra khắp thành phố, gắn liên các cơ quan, xí nghiệp… gắn lại với nhau, gắn liền Hà Nội với các địa phương. Những vỏ chì bọc sợi cáp, dưới sức nóng của mùa hè, bị ngâm dưới nước cống ngầm, có chỗ bị chất mặn, chất axit gặm nhấm, đục khoét nay một ít, mai một ít, đến lúc nào đó sẽ vào những sợ dây điện thoại rồi cũng mục dần rồi bục hẳn ra. Nhiều dây điện thoại chập với nhau, thế là cả đoạn dây cáp có hàng trăm đôi dây diện thoại hỏng, hàng trăm máy điện thoại bị ngừng. Để cho nắng mưa không làm hỏng dây, để thông tin không bị cắt đứt, phải bơm hơi khô vào dây cáp là ý kiến của các đồng chí trên Đảng ủy và ban Giám đốc sở Bưu điện. Rồi không ai bảo ai, đồng chí nào cũng nghĩ đến một người ở trong đài điện thoại tự động Hà Nội, người không lùi bước trước khó khăn – Châu Văn Huy. Tuy được học nghề điện thoại ở các nước tiên tiến nhưng Châu Văn Huy vẫn cảm thấy lo lắng khi nhận nhiệm vụ, vì là một đảng viên, một cán bộ kỹ thuật, Châu Văn Huy lại tự thấy mình không có quyền để thông tin liên lạc bị đứt đoạn bởi trong những năm tháng kháng chiến gay go, ông đã làm được chiếc máy điện thoại từ thạch đầu tiên của Việt Nam.
Ngày đêm nghiên cứu áp dụng cho bằng được việc đưa hơi khô vào dây cáp và ông đã pha chế được một loại nhựa mới để hơi được giữ chặt trong dây cáp. Áp suất trong sợi dây vẫn được giữ nguyên khi máy bơm ngừng chạy.
Phải có hệ thống lọc hơi tươi thành hơi khô tuyệt đối, còn phải có hàng trăm cái van hơi…. Ở các nước người ta dùng thiết bị hiện đại, còn ở nước ta không có đồng hồ hơi, không có van mới, và ông đã nghĩ đi lùng mua van của xe hơi cũ về dùng. Không có bình lọc hơi thì đi đặt hợp tác xã thủy tinh thổi bình… và Ông Châu Văn Huy đã dựng lên được một hệ thống lọc hơi, bơm hơi, đảm bảo kỹ thuật, hoàn toàn với các thiết bị cũ, chắp vá.
Như dòng máu nóng chảy khắp mạch máu nuôi sống còn người, trong năm 1961, một luồng hơi khô đã tỏa đi khắp hệ thống đường dây cáp ngầm, bảo vệ mạng lưới đường dây điện thoại tự động của Hà Nội, không bị ẩm ướt, dây điện thoại không hỏng nữa. Trong năm 1961, sở Bưu điện Hà Nội tiết kiệm được trên 5 vạn đồng tiền dây cáp. Nhưng điều sung sướng nhất là lại một lần nữa với công hiến có giá trị kỹ thuật của mình, Ông Văn Huy đã thực hiện được nhiệm vụ ông đã nhận với Đảng: “Mãi mãi giữ vững thông tin liên lạc”.
Tất cả các ngành có đường dây cáp ngầm, những ngành đã từng coi nắng, mưa là kẻ thù đều gửi lời cảm ơn tới Châu Văn Huy. Nhờ ông, họ đã có cách để đảm bảo đường dây cáp. Cảm ơn chiến sỹ thông tin liên lạc có nhiều cống hiến cho ngành, cho đất nước cả trong thời chiến lẫn thời bình. Bằng tài năng và sự sáng tạo, ông vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
VNPT Hà Nội