Trong nỗi đau, chúng ta cảm nhận rõ hơn những giá trị sống, sự sẻ chia, trách nhiệm. Tất cả đều thể hiện tình đồng bào và nỗ lực quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, nhất là giá trị nghĩa tình của người VNPT trong khó khăn thử thách với những chương trình hành động kịp thời và đầy tính nhân văn.
Ban Chỉ đạo và tổ tư vấn, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 của Công đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thành lập nhằm mục đích đầy mạnh công tác chăm lo đoàn viên, người lao động bằng những hành động thiết thực bởi những thành viên có chuyên môn, trải nghiệm kinh nghiệm thực tế thành công và tâm huyết với công tác phòng chống dịch với mong muốn bảo vệ tốt nhất sức khỏe của Người lao động, bảo vệ cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi cán bộ công nhân viên, trong đại gia đình VNPT và góp phần cùng toàn xã hội đẩy lùi dịch bệnh.
Trân trọng chia sẻ cùng đồng nghiệp kinh nghiệm những ngày vượt qua dịch bệnh của bản thân và gia đình trong những ngày đỉnh điểm dịch bệnh tại tâm dịch Thành phố Hồ Hồ Chí Minh theo hình thức nhật ký kèm các thông tin liên quan, mời các Anh chị em cùng tham khảo.
Ngày thứ 1:
Gia đình mình có 05 người, ba thế hệ cùng sống chung trong một căn hộ nhỏ tại quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tuần tháng 8, mẹ chồng mình (80 tuổi) có triệu chứng mệt mỏi và sốt nhẹ, bà có tiền sử viêm tiểu phế quản lâu năm nên gia đình đưa bà vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, hôm ấy, cũng là ngày mình biết tin bà nhiễm bệnh và chính thức bắt đầu “khai chiến” cùng giặc Covid!.
Mình nhớ như in cái cảm giác căng thẳng vào buồi chiều hôm đó; Trong khi Mẹ và chồng mình còn đang ở bệnh viện thì lực lượng chức năng (bao gồm y tế, công an, dân phòng, tổ trưởng dân phố) đã đến nhà thông báo nhà có người nhiễm bệnh; Một tấm bảng đỏ được treo lên, những sợ dây cảnh báo băng kín cửa ra vào, những tiếng xì xào từ hàng xóm....
Bỗng chốc, một bức tường vô hình được dựng nên, cuộc sống bên ngoài và gia đình mình trở nên xa cách.....
Rất nhanh, mình lập tức trấn tĩnh bản thân bằng một “chương trình hành động” khẩn cấp. Đầu tiên, mình cần thật sự bình tĩnh, loại ngay câu hỏi tại sao mẹ nhiễm bệnh (dù bà không đi ra khỏi nhà trong suốt thời gian Thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16) mà tập trung giải quyết sẽ điều trị cho bà như thế nào là tốt nhất ? Mình chuẩn bị một ba-lô đầy đủ đồ dùng cần thiết cho bà nếu nhập viện nếu điều trị tập trung và xem xét chuần bị bảng yêu cầu theo khuyến nghị của cơ quan y tế nếu điều trị tại nhà. Sau khi cân nhắc các yếu tố về sức khỏe, tâm lý, điều kiện gia đình....mình quyết định ký cam kết đón bà về để chăm sóc và điều trị tại nhà.
20h30, tiếng xe cứu thương dừng ngoài ngõ. Ngày thứ nhất kết thúc trong ngổn ngang lo lắng và tiếng máy tạo oxy “ục ....ục...” chạy đều đặn ở góc phòng
I. Hành lý và dụng cụ chuẩn bị nếu đi cách ly tập trung:
⁃ Giấy tờ tuỳ thân, tiền mặt đủ dùng.
⁃ Đồ sạc pin điện thoại, tai nghe.
⁃ Khẩu trang y tế 1 hộp (50 khẩu trang),
⁃ Kính chắn giọt bắn: 1 cái.
⁃ Nước rửa tay 1 chai, găng tay dùng 1 lần (15-30 cặp).
⁃ 1 chai nước suối hoặc bình đựng nước nhỏ.
- Ấm đun nước siêu nhanh vì F0 tốt nhất nên uống nước ấm
⁃ 1 cặp nhiệt độ.
⁃ 1 chai xà phòng rửa tay, chai khử trùng nhỏ.
⁃ 1 chai xà phòng tắm, gội đầu chai nhỏ.
⁃ 2 khăn lau mặt, 2 khăn tắm.
⁃ Áo quần gọn nhẹ đủ dùng.
⁃ Đồ dùng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, kem đánh răng, đồ cạo râu, băng vệ sinh).
⁃ Dép đi trong phòng, vớ (tất) chân, 1 miếng đắp ngủ/túi ngủ buổi tối.
⁃ Bịch nilon, làm bao rác nhỏ: 21 cái, thay mỗi ngày (virus có thể lây dễ dàng qua rác/sự dùng chung),
Các loại thuốc thông dụng:
- Thuốc giảm sốt, giảm đau
- Thuốc ho khan
- Thuốc đau họng
- Thuốc tiêu chảy
- Thuốc tăng sức đề kháng
- Thuốc đau dạ dày do bị căng thẳng
- Dầu gió
⁃ Kẹo gừng, bánh qui... (trường hợp đói hoặc mệt, cần 1 lượng đường nhỏ để bổ sung năng lượng).
II. Các vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly F0 tại nhà:
- Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần);
- Găng tay y tế sạch, trang phục bảo hộ y tế (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần);
- Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp, máy đo độ bảo hòa Oxy SpO2, máy tạo oxy hoặc bình oxy;
- Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng (rác thải y tế) để lót bên trong thùng;
- Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng; khăn tắm; khăn mặt; chậu tắm, giặt; bộ đồ dùng ăn uống; xà phòng (tắm, giặt); máy giặt (nếu có); dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;
- Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;
- Các thuốc thông dụng (như trên) và đơn thuốc (toa) của bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
- Các số đường dây nóng phòng, chống dịch, số điện thoại của người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác.
- Phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm.
Lưu ý: Trên đây là các nội dung mình ghi nhận theo thực tế để tham khảo, các anh chị em tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương và bác sĩ điều trị.
Lư Kim Phượng
TTKD VNPT TP.Hồ Chí Minh