Công đoàn Bưu điện Việt Nam được thành lập ngày 30.8.1947, lúc đầu tập hợp được 1.460 đoàn viên ở 17 cơ sở Bưu điện, sau đó dần dần phát triển nhanh ra cả nước. Sau 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay đến nay Công đoàn Bưu điện VN quản lý trực tiếp 125 đơn vị với hơn 80.000 đoàn viên và lao động của hơn 1300 công đoàn cơ sở.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ CB CNVC và xây dựng ngành Bưu điện, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, làm rạng rỡ thêm truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” trong hơn nửa Thế kỷ qua của Bưu điện VN.
Nhân dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại này, chúng ta cùng nhau ôn lại về quá trình xây dựng và phát triển của Công đoàn Bưu điện Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng, để tự hào về truyền thống càng ra sức phấn đấu xây dựng tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược “Hội nhập và phát triển” của Ngành và công cuộc hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn Quốc tế
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn Quốc tế
Tháng 9-1989, Công đoàn Bưu điện Việt Nam được Ban Thư ký (nay là Đoàn Chủ tịch) Tổng Liên đoàn LĐVN quyết định phân cấp chỉ đạo trực tiếp công đoàn các cơ sở trong ngành, là một bước ngoặt về tổ chức và hoạt động cho công đoàn các cấp trong ngành. Sau khi Chính phủ thành lập Tổng công ty BC-VT Việt Nam, tháng 12-1997, Công đoàn Bưu điện VN được Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN quyết định giao đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ công đoàn Tổng công ty BCVTVN và khi Chính phủ thành lập Tập đoàn BCVTVN, tháng 10/2006, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN tiếp tục giao nhiệm vụ cho Công đoàn BĐVN thực hiện chức năng Công đoàn Tập đoàn, như vậy dù trong điều kiện thay đổi về tổ chức chuyên môn, Công đoàn Bưu điện VN luôn giữ nguyên tên gọi và thực hiện tốt đồng thời cả hai chức năng tham gia quản lý Nhà nước, quản lý SXKD trước yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.
Là Hội viên của công đoàn viên chức quốc tế (1952), những năm vừa qua, Công đoàn Bưu điện VN tiếp tục triển khai công tác đối ngoại, đặt quan hệ song phương với Công đoàn Bưu điện một số nước trong khu vực, trên thế giới và tổ chức công đoàn quốc tế như công đoàn Bưu chính Hàn Quốc, Nhật bản, Singapore, Úc, Tổ chức Công đoàn quốc tế UNI và mạng lưới công đoàn quốc tế UNI-Apro. Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã góp phần nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn Ngành trong khu vực, đồng thời là một kênh đào tạo cán bộ công đoàn về kỹ năng và phương pháp tổ chức các hoạt động.
Từ năm 1990 lại đây, Công đoàn Bưu điện VN không ngừng đổi mới về nhận thức và quan điểm, nội dung và phương thức hoạt động; tham gia có hiệu quả công tác quản lý Ngành; Thực hiện tốt các hoạt động tình nghĩa trong Ngành và các hoạt động nhân đạo, từ thiện đối với xã hội. Phối hợp chăm lo xây dựng đội ngũ CBCNVC ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu tăng tốc độ phát triển 1993 – 2000, chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và phát triển đầu Thế kỷ 21.
Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã qua 12 kỳ Đại hội (vào các năm: 1957, 1960, 1963, 1968, 1973, 1978, 1981, 1983, 1988, 1993, 1998 và năm 2003). Mỗi Đại hội đều đánh dấu bước trưởng thành và phát triển, định ra phương hướng hành động cho đoàn viên, CBCNVC trước yêu cầu nhiệm vụ mới. Kỷ niệm 50 năm thành lập (1997), tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Công đoàn Bưu điện Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Đoàn chủ tịch TLĐ LĐVN tặng bức trướng thêu Mười chữ vàng truyền thống “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”, được Tạp chí Lao động và Công đoàn bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất năm 1997 của Công đoàn Việt Nam. Kỷ niệm 55 năm thành lập (2002), đã để lại dấu ấn khó quên trong lòng cán bộ, công chức, công nhân viên chức, đoàn viên công đoàn trong Ngành, một lần nữa khơi dậy lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Ngành và của tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng ngành Bưu điện Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, xứng đáng là ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Phát huy thành trong quá trình xây dựng, phát triển, cán bộ, đoàn viên đã tích cực thi đua lao động công tác, phấn đấu đạt thành tích cao, nên các năm 2001, 2003, 2004, 2005, 2006 Công đoàn Bưu điện Việt Nam luôn giữ vững vai trò Công đoàn ngành dẫn đầu phong trào thi đua của Tổng Liên đoàn được Chính phủ tặng cờ thi đua suất sắc.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn Quốc tế
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), những ngày đầu mới thành lập trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, trước mọi âm ưu phá hoại và kiềm toả của địch. Hội nghị cán bộ công đoàn toàn ngành (1953) đã đề ra chủ trương: Tăng cường tổ chức lực lượng, giáo dục tinh thần yêu nước và chí căm thù giặc cho CNVC; với các khẩu hiệu hành động: “Thi đua vượt tuyến, vượt đường, đảm bảo TT-LL”, “Thi đua phục vụ chống càn”, và đỉnh cao là cuộc vận động “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Từ cao trào đó đã động viên mọi người ra sức khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn; mưu trí, dũng cảm đảm bảo TT-LL trong mọi tình huống, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Thời kỳ xây dựng CNXH ở Miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà (1954 – 1965), với phong trào “Thi đua điển hình tiên tiến” và cuộc vận động “Cải tiến quản lý xí nghiệp” phấn đấu thực hiện các mục tiêu phục vụ của Ngành: “Nhanh chóng, chính xác, an toàn, tiện lợi”. “Hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý”, “Dạy tốt, học tốt” và phòng trào “Xây dựng tổ - đội lao động XHCN”... Trong các phong trào thi đua tập thể đó, CĐBĐVN đã xây dựng được những tập thể đầu đàn nhu: tổ phát thư (BĐ Hải Phòng), tổ báo vụ nội A (BĐ Hà Nội) và hàng trăm tổ tiên tiến khác; phấn đấu giành danh hiệu 3 đỉnh cao: “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”.
Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất nước nhà (1966 – 1975). Thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”: Công đoàn Bưu điện VN đã phát động mạnh mẽ các phong trào, các cuộc vận động và các khẩu hiệu hành động nhu: “Quyết tâm bảo đảm TT-LL, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đứt dây nhu đứt ruột, gẫy cột nhu gẫy xương”, “Tay kìm - tay súng, tay búa – tay súng”, “Xe thư là vũ khí, đường thư là trận địa”, “Quyết bám máy, bám đài, không để thông tin gián đoạn”... phục vụ đắc lực cho chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Sau khi quân dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ nhất; trong khí thế lao động xây dựng Miền Bắc vững mạnh, làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến của đồng bào ta ở miền Nam, CĐBĐVN tổ chức cuộc vận động: “Rèn luyện thái độ lao động đúng của người Bưu điện XHCN” và nhiều phong trào nối tiếp nhau nhu “Bảo dưỡng dây máy giỏi”, “Điện thoại viên giỏi”, “Điện báo viên giỏi”, “Khai thác bưu chính giỏi”, “Lái xe thư báo giỏi” v.v... thu hút hàng vạn CNVC thi đua lao động sản xuất và công tác đạt hiệu quả cao. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc lần thứ hai; mà đỉnh cao là cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác. hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng cục Bưu điện và Công đoàn Bưu điện Việt Nam “Mỗi CBCNV Bưu điện là một chiến sĩ kiên cường, mỗi bưu cục, đài, đội, phân xưởng, phòng, ban... là một pháo đài chống Mỹ”. CBCNV đã dũng cảm bám cơ sở, bám đường dây, đường thư phục vụ kịp thời cho chiến đấu. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, mặc dù ở nhiều nơi ta đã bị tổn thất, bị thương vong, song không ai nản chí. ngược lại, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” đã cất vang lên nhu tiếng kèn xung trận, như những luồng gió mới, tiếp thêm sức cho CBCNV lao động hăng say, hoàn thành nhiệm vụ... Trong khí thế chiến thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã phát động phong trào “Thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, rèn luyện thái độ lao động đúng của người BĐ” nhằm phấn đấu nâng cao chất lượng thông tin, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch.
Hơn 20 năm đấu tranh gian khổ, luôn trực diện với quân thù; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành trong các thời kỳ trước đây, đội ngũ làm công tác thông tin liên lạc cách mạng ở Miền Nam đã dũng cảm, mưu trí, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, luôn sát cánh với quân và dân Miền Nam anh hùng, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ đắc lực mọi yêu cầu của cách mạng trong suốt thời kỳ từ 1954 đến 1975. Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, lực lượng cán bộ công nhân hai ngành Giao bưu và Thông tin đã kiên trì bám trụ khắp mọi nơi: từ Trị - Thiên đến Cà Mau, thành thị đến nông thôn - đồng bằng, bưng biền đến rừng núi Tây Nguyên, ra đến các hải đảo... để giữ vững cơ sở, đường dây; đảm bảo điện đài; vận chuyển công văn, tài liệu, thư từ, bưu thiếp, báo chí, vũ khí, đạn dược, thuốc men... và đưa đón cán bộ, bộ đội; vận động quần chúng v.v... trong mọi tình huống, gay go, ác liệt. Nhiều anh chị em đã dũng cảm hy sinh hoặc bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng thông tin liên lạc vẫn đảm bảo. Toàn ngành có gần 10.000 liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, công lao và những tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó, đã góp phần vào đại thắng Mùa Xuân 1975 của dân tộc ta; tô điểm cho truyền thống chung của Ngành càng thêm rực rỡ.
Thời kỳ cả nước đi lên CNXH và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN (1976–1986), Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã tập trung vận động CNVC toàn ngành thực hiện các cuộc vận động: “Phát huy quyền làm chủ tập thể của CNVC, đấu tranh chống tiêu cực, đảm bảo chất lượng thông tin, hoàn thành vượt mức kế hoạch” và “Xây dựng người Bưu điện có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức phục vụ tốt, kỷ luật sản xuất nghiêm”, đã tạo được khí thế lao động SX và công tác sôi nổi, liên tục rộng khắp trong nhiều năm. Tiếp sau đó Công đoàn Bưu điện Việt Nam phát động các phong trào “Xây dựng Bưu cục có nền nếp chính quy”, “Chống chậm, chống mất bưu phẩm, bưu kiện”, “Chống cắt phá đường dây thông tin”...nhằm tiếp tục nâng cao vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm của CNVC, phấn đấu xây dựng đội ngũ, xây dựng Ngành. Trong giai đoạn này một lần nữa toàn ngành lại ra quân, đảm bảo TT-LL phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy, chống cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc.
Thời kỳ đổi mới và tăng tốc độ phát triển ngành Bưu điện (1986 – 2000). Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội 6 của Đảng, ngành Bưu điện thực hiện sự nghiệp đổi mới và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng bưu chính – viễn thông. Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã đề ra các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong CNVC nhằm thực hiện ba mục tiêu: “Chất lượng - Năng suất – Hiệu quả” và 5 chương trình đồng bộ: “Nâng cao chất lượng và năng lực TT-LL”; “phát triển công nghiệp thông tin”; “Đổi mới tổ chức sản xuất, quản lý, xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý mới”; “Đào tạo CBCNVC” và chương trình “Chính sách xã hội của ngành”. Và các phong trào “Phấn đấu trở thành người Bưu điện giỏi và tập thể Bưu điện giỏi”, “Học và làm đúng quy chế, thể lệ thủ tục nghiệp vụ, quy trình quy phạm kỹ thuật”, “Học tập điển hình tiên tiến”...Trong khí thế toàn ngành bước vào kế hoạch tăng tốc độ phát triển giai đoạn 1 (1993-1995) CBCNVC đã hướng vào các phong trào: “Người Bưu điện giỏi”, “Chống chậm, chống mất trên đường vận chuyển”, “Chống cắt phá đường dây thông tin”, “Chống ứ đọng điện thoại đường dài”. Đồng thời xác định nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đội ngũ CBCN bưu điện phát triển, đáp ứng yêu cầu “Tăng tốc” và sự nghiệp đổi mới của Ngành, trong đó nhiệm vụ trước mắt phải nâng cao trình độ mọi mặt cho CBCNVC theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (Khoá VII) của Đảng về phát triển con người toàn diện. Cùng với phong trào học tập nâng cao trình độ, là thời kỳ nở rộ các hội thi ngành nghề từ cơ sở lên toàn ngành, như hội thi Điện thoại viên giỏi; Sáng tạo kỹ thuật và đổi mới tổ chức quản lý; Trưởng Bưu điện huyện giỏi; Giao dịch viên duyên dáng và kinh doanh giỏi; Giám đốc công ty giỏi; Giáo viên giỏi v.v... dần dần trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và kiến thức quản lý của CBCNVC được nâng lên một bước mới, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu tăng tốc độ phát triển giai đoạn 1 (1993 - 1995). Bước vào giai đoạn II tăng tốc độ phát triển (1996 - 2000), Công đoàn Bưu điện phát động 5 cuộc vận động lớn trong CB CNVC đó là “Phát triển máy điện thoại thuê bao và các sản phẩm mới, dịch vụ mới”; “Cải tiến lề lối, quy trình làm việc, để thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính”; “Đổi mới quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ”; “Xây dựng nơi làm việc, khu tập thể CBCN, khu nội trú học sinh văn minh – sạch đẹp, ngăn chặn từ xa các tệ nạn xã hội, sau này đổi tên thành cuộc vận động Xây dựng Văn minh Bưu điện, Văn hoá cơ quan doanh nghiệp” và “Xây dựng nhiều công trình, sản phẩm chào mừng mang tên Công trình 30-8”, với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản của kế hoạch tăng tốc giai đoạn II, chuẩn bị kết thúc thế kỷ 20, bước vào thế kỷ 21, CĐBĐVN đã đưa ra các quan điểm về xây dựng và phát triển của tổ chức công đoàn, 4 nội dung hoạt động và 5 cuộc vận động lớn phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Tổ chức sinh hoạt cụm công đoàn thuộc các khối trong toàn ngành. Xây dựng 5 bài học truyền thống của Ngành và 5 lời hứa danh dự của CNVC Bưu điện. Vận động CBCNVC thực hiện phương châm “Người Bưu điện sống bằng nghề Bưu điện”. Đồng thời Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã cùng với chuyên môn xây dựng và nâng cao 5 mục tiêu chất lượng phục vụ của Ngành “Nhanh chóng - chính xác - An toàn - Tiện lợi -Văn minh” bên cạnh 10 chữ vàng truyền thống.
Bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển ngành Bưu điện, chuẩn bị đội ngũ cho Thế kỷ 21. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, từ năm 2001 ngành Bưu điện thực hiện sự nghiệp đổi mới và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông. Công đoàn Bưu điện Việt Nam đã phối hợp tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các hội thi trong CBCNVC nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu: “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả” và chương trình: “Tất cả vì khách hàng”, “Đổi mới tổ chức sản xuất, quản lý, xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý mới”; “Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực” và “Thực hiện chính sách xã hội của ngành”. Đã tổ chức thành công Hội nghị Nữ CBCNVC Bưu điện hướng tới thế kỷ 21. Hội nghị đã ra quyết tâm thư thể hiện sự quyết tâm của tập thể nữ CBCNVC toàn ngành thi đua phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi chương trình công tác và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD, mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Ngành Bưu điện ngày càng lớn mạnh.
Đại hội XII Công đoàn Bưu điện Việt Nam (2003) được diễn ra trong những năm đầu Thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ thứ Ba của nhân loại. Bộ Bưu chính, Viễn thông đã được Quốc hội phê duyệt thành lập, sự kiện này đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về quản lý nhà nước của Ngành, đồng thời thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với Ngành Bưu điện trong gần 60 năm xây dựng và phát triển.
Trước bối cảnh lịch sử đó, nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là Tổng kết 15 năm đổi mới (3 nhiệm kỳ) và định hướng hoạt động cho những năm tiếp theo của Công đoàn Bưu điện Việt Nam. Với tinh thần: “Kế thừa, ổn định, dân chủ, đổi mới và phát triển”. Công đoàn Bưu điện Việt Nam tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả, thông qua 3 cuộc vận động và 10 chương trình hành động để vận động CBCNVC nêu cao ý chí tiến công, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội trong chiến lược hội nhập - phát triển của Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Xây dựng đội ngũ công nhân viên chức lao động Bưu điện lớn mạnh ngang tầm với yêu cầu CNH - HĐH; làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của CBCNVC; Đổi mới tổ chức; nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước với vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thông qua phong trào thi đua yêu nước cán bộ đoàn viên công đoàn đã góp phần xứng đáng để Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngành và cho Công đoàn Bưu điện VN; 50 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 11 tập thể và 3 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Hàng nghìn cá nhân là chiến sỹ thi đua ngành Bưu điện, trên 100 cá nhân là Chiến sỹ thi đua toàn quốc và nhiều tập thể, cán bộ, đoàn viên công đoàn được tặng thưởng Huân chương lao động và Bằng khen Chính phủ.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn Quốc tế
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006 - 2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại…
Nhiệm vụ phía trước của Ngành rất nặng nề, đòi hỏi toàn thể chúng ta phải phát huy mạnh mẽ về trí tuệ và truyền thống nội lực Bưu điện Việt Nam. Luôn bám sát 4 mục tiêu cơ bản: Chất lượng cuộc sống; Công nghệ đón đầu; Cách đi sáng tạo và Cạnh tranh thắng lợi, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, để có cách đi thích hợp. Bằng quyết tâm cao nhất của mỗi người và của toàn Ngành, chúng ta luôn tạo cho được thế chủ động trong phát triển và cạnh tranh, phấn đấu đạt cho kỳ được các chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm, tiến tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn mới. Thực hiện thắng lợi đổi mới toàn diện về tổ chức quản lý Nhà nước về BCVT và CNTT, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn BCVTVN doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT của đất nước.
Những thành tựu và sức mạnh tinh thần, sự nỗ lực của 60 năm xây dựng và phát triển của tổ chức Công đoàn Bưu điện Việt Nam cùng với quyết tâm Nêu cao truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành Bưu điện thời kỳ đổi mới và truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển của Ngành Bưu điện Việt Nam, được kế thừa bền vững trên nền móng truyền thống của giai cấp và của dân tộc. Chúng ta sẽ phấn đấu để ngành bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam phát bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện thắng lợi “Chiến lược cất cánh” của Công nghệ thông tin và truyền thông VN (năm 2010 - 2020). Trước mắt phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII, và chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Bưu điện Việt Nam và thực hiện kết quả những năm đầu “Chiến lược hội nhập và phát triển bền vững” của Ngành, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, được xem như là mệnh lệnh từ trái tim, đồng thời là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ - đoàn viên, công nhân viên chức - lao động Bưu điện.
Tôi tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuyên môn, công đoàn các cấp, phong trào thi đua lao động sáng tạo, lao động giỏi, thực hiện thắng lợi “Chiến lược hội nhập và phát triển bền vững”, sẽ là định hướng cho mọi hoạt động của Công đoàn Bưu điện Việt Nam, thể hiện trong công tác tư tưởng, trong xây dựng đội ngũ và trong tổ chức các chương trình hành động, để thực hiện nhiệm vụ chính trị và SXKD trong giai đoạn mới. Cán bộ, đoàn viên thi đua lao động sản xuất phấn đấu hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao, để có nhiều tập thể lao động tiêu biểu, suất sắc, mà ở đó mỗi người lao động Bưu điện có được nhiều sản phẩm văn minh, có phong cách văn minh và cuộc sống văn minh. Để ngành Bưu điện và mỗi người Bưu điện ngày càng đẹp lên trong con mắt và niềm tin của xã hội, và của bạn bè quốc tế, xứng đáng với lòng tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng ngành Bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam phát triển bền vững.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu
Thay mặt cán bộ đoàn viên toàn Ngành, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các bộ ngành liên quan đã thường xuyên quan tâm, động viên, chỉ đạo và phối hợp tổ chức triển khai phong trào CNVC, hoạt động công đoàn Bưu điện trong thời gian qua; Xin cám ơn và biểu dương công sức trí tuệ sáng tạo, tận tuỵ của hơn 8 vạn cán bộ đoàn viên, CNVC - Lao động toàn ngành, tiêu biểu là các tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang, tập thể và cá nhân anh hùng Lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc trong các thời kỳ. Cám ơn sự phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn Lao động các tỉnh thành phố và công đoàn Ngành Trung ương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Nhân dịp lễ kỷ niệm trọng đại này, thay mặt BCH Công đoàn Bưu điện VN tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn Bưu điện hãy giữ gìn và phát huy và nêu cao truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình”, đoàn kết nhất trí, vượt qua khó khăn, chuyển cơ hội thành nguồn tăng trưởng, biến thách thức thành nguồn động lực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động sáng tạo, lao động giỏi, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh xứng đáng là lực lượng lao động của ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị khách quý và toàn thể các đồng chí, các bạn quốc tế có mặt hôm nay sức khoẻ, hạnh phúc.
Xin chân thành cám ơn
---------------------------------------------------------------------------------------
(Diễn văn do Đồng chí Hoàng Huy Loạt, Uỷ viên Ban Chấp hành
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam
đọc tại Lễ mít tinh Kỷ niệm 60 năm thành lập Công đoàn Bưu điện Việt Nam
tại Cung văn hoá lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội ngày 30/8/2007)