Mẹ kể: Mẹ sinh chỉ một người con trai duy nhất và đặt tên anh là Trần Thanh Tòng. Quê mẹ ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình. Đây là căn cứ địa của Tỉnh ủy Vĩnh Long, vùng trọng điểm đánh phá của giặc suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1950 lúc anh Tòng vừa chào đời đã gặp phải những trận càn quét đánh phá liên miên của giặc Pháp. Suốt ngày hai mẹ con phải sống trong trảng xê(1). Mẹ ăn cơm chỉ với muối ớt, nên mất sữa đành phải nuôi con bằng nước cơm chắt pha với đường. Những lúc nhà hết gạo mẹ nhai lõn chuối để lấy nước mớm cho con. Mấy năm đó làng quê đói kém, nhà cửa xác xơ tiêu điều vì bom đạn giặc Pháp tàn phá. Chồng mẹ phải xuống tận Cà Mau để lánh thân và đốn củi làm than dành dụm gửi tiền về cho mẹ nuôi con.
Mẹ bị mù hồi năm lên bốn tuổi do căn bệnh sởi trở nặng. Năm nay mẹ đã bảy mươi mốt tuổi. Tất cả những gì mẹ nhìn thấy được trước khi bị mù đã trở nên mờ nhạt, không còn nhớ được bao nhiêu. Tuy nhiên trong ký ức của mẹ vẫn còn rõ mồn một là trước đình làng có cây đa rất to, tán lá xum xuê. Trên đường quê từ đình làng về nhà có hai cây phượng vĩ, vào mùa hè trổ bông đỏ rực. Con sông trước cửa ngày hai bận nước lớn, nước ròng. Phía sau nhà có cây cầu ao với mấy bông súng tím! Đặc biệt là gương mặt của ba má, mẹ nhớ như in, không bao giờ phai mờ. Mặc dù mẹ chỉ nhìn được thuở mới lên bốn tuổi.
Mẹ có chồng con, nhưng chưa bao giờ biết mặt chồng con như thế nào? Không thấy mặt mà thương đứt ruột! - Mẹ nói vậy.
Mẹ bị mù loà nhưng có giọng hát rất hay. Những dịp hội hè người ta rước mẹ đi tham gia Chương trình văn nghệ. Những đoàn hát có tiếng trong vùng nhiều lần mời mẹ đi hát vọng cổ. Họ bán vé hốt nhiều bạc mà mẹ không biết, họ chỉ cho tiền mẹ ăn sáng.
Năm hai mươi tuổi có một chàng trai cùng làng nhỏ hơn mẹ một tuổi, vì say mê tiếng hát mà đến ngỏ lời cầu hôn mẹ. Mẹ nói: Thân tôi mù loà, xin anh đừng bỡn cợt. Nhưng anh chàng thì khẩn khoản, giọng nói rất chân thành.
Ba đêm liền mẹ khóc ướt cả gối. Mẹ đã quên rồi tuổi xuân của mình, cả cuộc đời hẩm hiu của mình. Nhưng khổ thay có người lại gợi nhớ! Lần đầu tiên trong đời, ở tuổi hai mươi mẹ mới ý thức mình là một cô gái trẻ. Mường tượng đến việc làm mẹ, đến tình yêu. Nó như làn nước mát len lỏi vào vùng đất khô cằn bị lãng quên nhiều năm tháng, làm nẩy mầm sự sống thiên nhiên.
Từ lâu mẹ đã nghe nói về chàng trai kia rồi: “Anh là người hiền lành, con của một gia đình khá giả, nền nếp; anh lại là một thầy giáo, có học thức. Không hiểu vì sao anh để ý đến mình?”. Điều đó khiến mẹ bất ngờ, bối rối!
Mấy người bạn gái cùng xóm nói với mẹ: “Tụi tao thấy ông thầy giáo này đẹp trai, hiền lành, chắc ổng không biết nói dối đâu. Có điều nếu ba má ổng mà hay chuyện chắc nổi khùng”.
Đêm đó mẹ nói với anh ta và ý định nói lời cuối cùng: “Thân tôi mù loà, sống một mình không nổi phải nương tựa mẹ, cha. Lấy tôi là anh khổ, anh sẽ bị cha mẹ chửi mắng, người đời cười chê. Chi bằng anh để tôi yên”. Anh chàng cứ tha thiết chân thành. Cuối cùng mẹ nói: “Nếu anh kiên quyết lấy tôi thì không được bỏ tôi giữa chừng. Anh thề tôi mới tin”.
Năm nay mẹ bảy mươi mốt tuổi, chồng mẹ - ông Trần Văn Đạo bảy mươi tuổi. Mẹ ngồi nhai trầu bỏm bẻm, nở nụ cười mãn nguyện nói: “Mấy chục năm rồi ông vẫn giữ lời hứa với tao. Cái áo rách còn vá lại được, chứ tình nghĩa phu thê một lần phụ nhau thì không thể vá lại lành lặn được”. Lời của mẹ đơn sơ mà nghe thấm thía vô cùng.
Có người mẹ nào không muốn giữ mãi những đứa con ở bên cạnh mình. Anh Trần Thanh Tòng lại là đứa con duy nhất của mẹ. Nhưng không! Cả làng Ngãi Tứ này không người mẹ nào làm như thế cả. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh nữa là.
Năm mười lăm tuổi anh Tòng tham gia du kích xã. Năm mười chín tuổi anh giữ chức xã đội phó. Anh vừa đánh giặc vừa làm ruộng, hái rau, bắt ốc, chăm sóc người mẹ mù loà. “Con ơi con ngủ cho ngoan, lớn lên bắt ốc hái rau cho mẹ nhờ!. Anh là niềm hy vọng quá lớn lao của đời mẹ!
Anh đắp cái trảng xê trong nhà và nắm tay mẹ dẫn ra dẫn vào thực tập nhiều lần. Để khi nghe tiếng pháo đề ba của giặc, mẹ cứ theo quán tính mà lao thẳng về phía miệng hầm. Anh đi đánh giặc mà lúc nào trong ba lô cũng có cái nồi nhỏ. Tan giặc rồi anh lao xuống sông mò cá kho khô, tối đem về cho mẹ. Có những lần giặc càn, chúng đóng quân dày đặc trong làng, vậy mà nửa đêm anh bò về nhà cào vách lá rột rột để mẹ hay ra lấy tôm cá. Những ngày giặc không ruồng bố chiều nào anh cũng về. Vừa tới đầu ngõ mẹ đã nghe tiếng bước chân của con mình rồi. Tiếng bước chân gấp gáp, xôn xao mừng rỡ của đứa con khi nhìn thấy mẹ. Một lần anh cố tình đi thật khẽ, nhưng cũng chỉ đến cách bốn năm thước thì mẹ đã mắng: Tổ cha thằng Tòng, mày tưởng gạt được tao hả?. Anh phá lên cười. Thì ra mẹ không chỉ nhận ra tiếng bước chân mà còn cả hơi thở và mùi mồ hôi của anh nữa. Hồi anh lên chín lên mười, hàng ngày mẹ bơi xuồng đưa anh đi học. Đang bơi mẹ bỗng cho xuồng lủi vô lùm. Anh ngạc nhiên tưởng mẹ không thấy đường nên bơi lạc hướng. Nhưng liền sau đó một chiếc trực thăng trờ tới. Mẹ không nhìn thấy nhưng mẹ biết trước anh là máy bay sắp tới. Suýt chút nữa bị nó phát hiện, lúc đó không biết tính mạng của hai mẹ con sẽ ra sao? Mẹ căn dặn anh: “Tụi giặc nó xảo quyệt lắm. Nó hay phục kích trong làng, anh không nên về thường xuyên, nguy hiểm lắm. ở nhà chừng nào đói bụng mẹ tự nấu cơm được. Còn thức ăn thì mẹ chắt nước cơm làm canh cũng xong bữa”. Nhưng anh không chịu, anh cứ về để chăm sóc mẹ. Anh gan dạ, dũng cảm, được bạn bè và bà con lối xóm yêu mến. Trận đánh nào không có anh là đồng đội không yên tâm. Còn tụi giặc nghe tên anh thất kinh hồn vía.
Con đi đánh giặc ở phía Đông phía Tây, mẹ ngồi nhà ngoáy trầu ngóng tin. Nghe tiếng súng nổ ở đâu mẹ cũng nghĩ đó là tiếng súng của con mẹ. Mỗi lần nghe tiếng chân người hàng xóm chạy lịch bịch ngoài đầu ngõ tim mẹ giật thót nhói đau vì sợ tin dữ. Đã không biết bao nhiêu lần tim mẹ giật thót như thế.
Cứ ngồi nhà ngóng tin con riết rồi chắc chết trong sự mỏi mòn, nên mẹ xin chú Tư Già, Bí thư xã Ngãi Tứ cho mẹ nhận một việc gì đó ở địa phương. Chú Tư phân công mẹ là giao liên đi đưa thư bằng đường hợp pháp. Bấy giờ tổ chức mới nhận ra mẹ có một ưu thế hơn tất cả các cán bộ giao liên công khai. Do bị khiếm thị nên mẹ vượt qua đồn bốt, các điểm chốt chặn của địch một cách dễ dàng (cùng đi với mẹ có một em bé dẫn đường). Mẹ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên. Nghe tiếng, ngành Giao liên huyện, tỉnh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao đến nhờ mẹ đưa thư hoả tốc. Mẹ đi khắp các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Cùng với đứa cháu gái lên sáu tuổi, mẹ sắm vai người đi ăn xin, qua mắt địch trót lọt, chưa lần nào thư từ và tài liệu bị thất lạc hoặc rơi vào tay giặc. Duy chỉ một lần mẹ bị địch bắt do một tên chiêu hồi nhìn mặt trên chuyến xe đò từ Vĩnh Long lên Sài Gòn. Tên này trước đây là du kích xã, hắn biết mẹ là chiến sĩ giao liên. Hắn lục khắp người mẹ và lấy được bức thư hoả tốc của Tỉnh ủy Vĩnh Long để trong túi áo. Bọn công an hỏi:
- Ai đưa thư cho bà?
Mẹ thản nhiên trả lời:
- Mấy chú ơi, thân tôi mù loà, đi ăn xin. Có một người phụ nữ cho tôi 10 lít gạo, đưa tiền xe biểu tôi đưa thư giùm, tôi không thấy đường làm sao biết mặt ai.
- Người phụ nữ đó kêu bà đưa thư cho ai?
- Dạ, cô ta nói cứ đứng bên cánh cổng xa cảng miền Tây một lát sẽ có người tới nhận thư.
- Bà biết trong thư ghi gì không?
- Trời đất ơi! đui mù làm sao đọc chữ được chớ?
Bọn công an không tin, đánh mẹ mấy bốp tay. Mẹ la lên:
- Bớ người ta! Lính quốc gia đánh đập người mù. Tụi bay có giỏi đi tìm Việt cộng mà bắt, thân tao mù loà tàn tật, tụi bây nỡ nào ăn hiếp.
Các tù nhân ở phòng giam kế bên nghe mẹ la, liền len tiếng ủng hộ mẹ, phản đối tụi công an khiến tên Thiếu úy Thường, Trưởng tổ điều tra phải thốt lên:
- Thôi, tụi bay đừng đánh bà già này nữa. Bà đui mà họng bà to quá!
Bọn công an giam mẹ tại khám lớn Vĩnh Long đúng một tháng, nhưng không tìm được bằng cớ nào để đưa mẹ ra toà, đành phải thả mẹ ra.
Về nhà mới hôm trước thì hôm sau cuộc họp chi bộ được tổ chức tại nhà mẹ, do chú Tư Già, Bí thư xã Ngãi Tứ chủ trì. Ngồi trên võng nhưng mẹ nghe rõ các chú bàn bạc trong buồng: Đồn Ngã Cái bị du kích bao vây gần một tháng. Bọn lính không cơm ăn, nước uống, thậm chí phải đại tiện trong thùng sắt rồi ném ra ngoài. Trong đồn hiện có hai tên lính bị thương nặng, rên la suốt ngày khiến đồng bọn hết sức hoang mang, lo sợ. Đây là thời điểm ta cần tác động để địch rút sớm. Chi bộ cần tìm một người mang tối hậu thư đưa cho tên đồn trưởng ngay trong hôm nay.
Giữa lúc các chú đang bàn tính tìm cho một người đưa thư thì mẹ lần vách bước vô tường nói:
- Mấy chú để tôi lãnh việc này. Tôi làm được!
Cả chi bộ ngước lên nhìn mẹ. Chú Tư Già, Bí thư xã dè dặn nói:
- Không được chị Năm à! (Mẹ thứ Năm) - Chị vừa trong khám lớn về cần nghỉ ngơi dưỡng sức. Hơn nữa việc này rất nguy hiểm.
Mẹ kiên quyết đòi nhận nhiệm vụ. Chi bộ đồng ý.
Nội dung bức tối hậu thư mà chú Tư Già viết cho tên đồn trưởng Ngã Cái như sau:
Yêu cầu anh em binh sĩ để súng lại, tay không đi ra khỏi đồn ngay trong đêm nay. Khi ra anh em phải đi thành hàng một, tay không được cầm bất cứ một thứ gì. Nếu thực hiện đúng quy định chúng tôi sẽ đảm bảo sự an toàn cho tất cả. Nếu chậm trễ quá 12 giờ đêm nay, chúng tôi sẽ cùng tiểu đoàn 306 huỷ diệt đồn!
Ký tên, Tư Già.
Đọc xong bức thư, tên trưởng đồn gằn giọng:
- Bà già! Bà biết thư này của ai không?
- Dạ, của vợ ông Trưởng đồn.
- Trưởng đồn nào? Của Việt cộng đó!
- Trời đất ơi! - Mẹ làm ra vẻ sửng sốt và sợ hãi:
- Mấy chú ơi, tôi đâu biết! Thân tôi mù loà, có một người phụ nữ cho tôi hai lít gạo, cô ta nói là vợ nhỏ của ông Trưởng đồn nhờ tôi đưa thư giùm.
- Vợ nhỏ cái con khỉ! Bà chờ tôi một chút.
Hồi lâu, tên Trưởng đồn trở ra đưa cho mẹ lá thư, bảo phải đưa tận tay ông Tư Già.
Chú Tư Già và các chú trong chi bộ đọc cho mẹ nghe lá thư của tên đồn trưởng để mẹ mừng. Hắn viết như sau:
“Kính gởi ông Tư Già,
Chúng tôi đồng ý rút khỏi đồn. Nhưng xin ông lượng thứ, cho chúng tôi đem súng theo. Vì nếu để mất súng chúng tôi sẽ bị bỏ tù. Chúng tôi hứa sẽ đi ra hàng một, súng mang trên vai, họng quay xuống đất chớ không cầm tay.
Nếu ông Tư đồng ý thì bắn ba phát súng báo hiệu, chúng tôi sẽ rút ngay.
Chào vĩnh biệt mảnh đất Ngãi Tứ buồn bã này.
Trưởng đồn - Ba Năng”
Chi bộ hội ý chớp nhoáng và thống nhất cho bắn liền ba phát súng báo hiệu cho bọn lính trong đồn Ngã Cái.
Thế là lính trong đồn của Ba Năng rút chạy, ấp Ngã Cái, xã Ngãi Tứ được giải phóng. Trong đó có sự góp sức của bà Bùi Thị Nhung, một người mẹ mù loà cùng với đứa con trai Trần Thanh Tòng, xã đội phó xã Ngãi Tứ. Anh Tòng đã chỉ huy du kính bao vây, bức rút dồn giặc ròng rã gần cả tháng trời.
Công việc giao liên có lúc hết sức vất vả và nguy hiểm nhưng mẹ không sợ. Mẹ chỉ sợ tâm trạng của mình ở nhà chiều nào cũng ngồi trước hàng ba ngóng đợi bước chân của con trai. Nếu mẹ ở nhà thì con của mẹ sẽ về thăm mỗi chiều, sợ tụi lính nắm được quy luật mà rình rập sát hại anh. Vì anh là Xã đội phó, đánh giặc có tiếng. Bọn địch tuy rất sợ nhưng lúc nào cũng rình rập, giết được anh chúng mới bớt lo.
Rồi một buổi chiều tà cuối tháng 12 năm 1971, mẹ đang ngồi ngoáy trầu, tai ngóng ra ngoài đầu ngõ chờ tiếng bước chân quen thuộc. Bỗng có nhiều tiếng chân chạy dồn tới. Tim mẹ giật thót lên và mẹ ngã qụy xuống. Người ta báo cho mẹ hung tin. Miếng trầu nhai dở đỏ tươi còn dính trên môi mẹ. Không biết đó là màu đỏ của trầu hay màu máu ứa ra từ tim mẹ? Anh Tòng bị phục kích trên đường về với mẹ. Anh chết trong tư thế nằm sấp, hai tay giang rộng, mấy con cá lòng tong và bó rau héo rơi vãi trên mặt đất cạnh chỗ anh nằm. Anh chết mà như còn muốn ôm mẹ vào lòng. Ôi! người mẹ mù loà tội nghiệp của anh./.