Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) 15 năm xây dựng và phát triển

 •  14:22 thứ năm ngày 07/04/2005
Là một thành viên của Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, công ty Viễn thông liên tỉnh được thành lập ngày 31/3/1990. Trải qua 15 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm của Lãnh đạo Ngành, sự bền bỉ phấn đấu, cống hiến hết mình của các thế hệ CBCNV trong toàn đơn vị đã và đang ngày đêm không quản ngại khó khăn vất vả làm nên những tích vẻ vang trong sự nghiệp không ngừng củng cố và phát triển mạng Viễn thông liên tỉnh.
Công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) 15 năm  xây dựng và phát triển

Từ những phương tiện, thiết bị, mạng lưới nghèo nàn không đồng bộ với công nghệ lạc hậu ban đầu đến nay mạng Viễn thông liên tỉnh đã hoàn toàn đổi mới với dung lượng lớn, công nghệ hiện đại, đồng bộ, kỹ thuật tiên tiến vươn xa, toả rộng khắp mọi miền tổ quốc.

Mạng Viễn thông liên tỉnh được hình thành và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của Ngành Bưu điện Việt Nam. Tuỳ theo yêu cầu và nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng mà mạng Viễn thông liên tỉnh được  tổ chức, quản lý và khai thác theo các mô hình phù hợp.

Trước khi công ty Viễn thông liên tỉnh ra đời:

Về tổ chức: Mạng Viễn thông liên tỉnh được Ngành giao cho các Bưu điện tỉnh quản lý theo vùng lãnh thổ, riêng Tuyến trục Bắc - Nam do  Bưu điện Hà Nội;  Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, công ty Vi ba Bắc Nam và 17 Bưu điện tỉnh, thành trên dọc tuyến cùng tham gia  quản lý.

Về chức năng và nhiệm vụ chủ yếu  là: Tổ chức, xây dựng, quản lý vận hành và khai thác mạng Viễn thông liên tỉnh. Đảm bảo thông tin viễn thông liên tỉnh, phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Về mạng lưới: Từ giữa những năm 80, tuy đã được ngành đầu tư nâng cấp một số tuyến như: Tuyến cáp đồng trục Hà Nội - Hải Phòng; Tuyến cáp đối xứng Hà Nội - Quảng Ninh.... còn các tuyến liên tỉnh khác chủ yếu vẫn là dây trần sử dụng thiết bị Tải ba từ 1 đến 12 đường kết hợp với Vi ba RVG; DM400...và thông tin sóng ngắn. Trên tuyến trục Bắc - Nam dùng  dây trần sử dụng thiết bị Tải ba 12 đường cùng với tuyến  vi ba ICS  là chiến lợi phẩm của Mỹ để lại và các kênh thông tin vệ tinh qua trạm vệ tinh mặt đất Hoa sen I và II.

Về chuyển mạch liên tỉnh : Việc chuyển tiếp đường dài đều phải qua bàn điện thoại viên, thao tác bằng nhân công.

Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử mô hình tổ chức quản lý mạng lưới có những thay đổi phù hợp. Với mô hình quản lý mạng đường trục phân theo vùng lãnh thổ tuy có những hạn chế nhưng đã đóng góp quan trọng đảm bảo thông tin trong những năm Đất nước còn nhiều khó khăn thử thách. Có thể nói, cùng với những thành tích chung của toàn Ngành Bưu điện, mạng Viễn thông liên tỉnh, qua các giai đoạn lịch sử đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện đứng trước những khó khăn cực kỳ to lớn, đó là: Cơ sở vật chất quá thiếu thốn, lại ở một trình độ công nghệ vô cùng lạc hậu, cơ chế chính sách đang trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, thiếu động lực cho sự phát triển, đội ngũ CBCNV trong ngành trình độ năng lực còn nhiều hạn chế. Trong khi đó yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - Xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế đòi hỏi rất cao. Đứng trước yêu cầu đổi mới và hiện đại hoá Ngành, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đó, Lãnh đạo Ngành đã đề ra các chủ trương và giải pháp chiến lược để phát triển Ngành,  sắp xếp lại mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới. Trong đó có việc tổ chức lại hệ thống quản lý mạng Viễn thông liên tỉnh.

Ngày 31 tháng 03 năm 1990 Tổng cục Bưu điện đã ra quyết định thành lập Công ty Viễn thông liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập các công ty Điện thoại đường dài liên tỉnh thuộc Bưu điện Thành phố Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và công ty Vi ba Bắc Nam.

Chức năng và nhiệm vụ chính của công ty là:

- Tổ chức, xây dựng, quản lý vận hành khai thác, kinh doanh, phục vụ mạng lưới Viễn thông liên tỉnh trên phạm vi toàn quốc, đồng thời làm đầu mối kết nối giữa mạng Viễn thông liên tỉnh với mạng Viễn thông quốc tế.

- Đảm bảo thông tin Viễn thông liên tỉnh, phục vụ sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng và Chính quyền các cấp, phục vụ yêu cầu đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty giao.

- Cho thuê kênh Viễn thông liên tỉnh, tổ chức khai thác, cung cấp các loại hình dịch vụ Viễn thông theo quy định của tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam.

- Tư vấn, khảo sát, thiết kế chuyên ngành Viễn thông, bảo trì, sửa chữa thiết bị thông tin liên lạc.

Về tổ chức:

- Công ty Viễn thông liên tỉnh lúc đầu mới thành lập có:

+ 04 phòng chức năng

+ 02 Ban quản lý dự án khu vực I và II

+ 02 Trung tâm Viễn thông khu vực I và II, lấy Km 1029 quốc lộ 1A tại trạm viễn thông Dốc Sỏi trên địa bàn Quảng Ngãi làm gianh giới khu vực. Do quy mô mạng lưới phát triển, tháng 07 năm 1994 Trung tâm Viễn thông khu vực III được thành lập, quản lý toàn bộ mạng lưới khu vực miền Trung  từ Quảng Bình vào đến Khánh Hoà và khu vực Tây Nguyên.

Trải qua 15 năm, đến nay công ty có: 09 phòng chức năng, 01 Ban quản lý dự án, 03 Trung tâm Viễn thông khu vực I; II; III và Trung tâm thanh khoản, với tổng số 2550 CBCNV.

Việc công ty Viễn thông Liên tỉnh được thành lập, có ý nghĩa rất quan trọng, nó mở ra một thời kỳ phát triển mới của mạng Viễn thông liên tỉnh,  nhất là trong điều kiện thị trường viễn thông Việt Nam bắt đầu hình thành và đi đến cạnh tranh. Hơn bao giờ hết yêu cầu phát triển mạng lưới theo hướng ngày càng hiện đại để đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn mới vừa phục vụ  vừa đảm bảo kinh doanh thắng lợi, được đặt ra hết sức cấp bách.

Nhận thức được  vị trí, vai trò và nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn mới và những khó khăn về mạng lưới và cả về trình độ kỹ thuật, tay nghề của CBCNV còn hạn chế khi chuyển từ công nghệ Analog sang công nghệ kỹ thuật số (Digital). Thực hiện chiến lược phát triển của Ngành là: Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu, xây dựng mạng Viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Tập thể Lãnh đạo công ty thời kỳ đầu đã có những quyết tâm hết sức mạnh dạn và cương quyết:

- Một là: Nhanh chóng tiếp nhận mạng lưới, xắp xếp, ổn định mô hình tổ chức, quản lý sản xuất cho phù hợp. Xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển, mở rộng mạng lưới Viễn thông liên tỉnh phù hợp với xu thế phát triển của mạng Viễn thông hiện đại. Tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của Lãnh đạo Ngành, tận dụng và khai thác triệt để vật tư thiết bị hiện có để phát triển mạng lưới.

- Hai là: Tăng cường và đẩy mạnh công tác đào tạo, và đào tạo lại để có đội ngũ cán bộ công nhân viên chức có đủ trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới kỹ thuật công nghệ của mạng lưới. Mạnh dạn tuyển dụng mới lực lượng lao động mới, trẻ khoẻ có trình độ, đúng chuyên ngành để bổ sung  cán bộ cho bộ máy quản lý và sản xuất của đơn vị. Xây dựng các quy chế khen thưởng, quy chế phân phối thu nhập nhằm khuyến khích người lao động hăng say làm việc.

- Ba là: Xây dựng các quy chế quản lý, điều hành và mạnh dạn phân cấp quản lý theo thẩm quyền, giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho các đơn vị cơ sở để chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều chỉnh, uốn nắn những sai sót trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị cơ sở.

Nhờ những chủ trương, biện pháp đúng đắn, phát huy được tối đa năng lực cá nhân và trí tuệ tập thể. Được sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của lãnh đạo Ngành. Từ khi thành lập đến nay (1990 - 2005), với 15 năm đầu tư xây dựng và phát triển, với sự phấn đấu bền bỉ và sáng tạo của các thế hệ CBCNV.  Đến nay bộ mặt của mạng Viễn thông liên tỉnh đã hoàn toàn đổi mới, đồng bộ,  hiện đại và phát triển rộng khắp đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của xã hội:

- Mạng lưới đã được số hoá 100% (Tháng 12 năm 1993).

- Về truyền dẫn: Từ chỗ chủ yếu là Tải ba dây trần, đã chuyển sang chủ yếu là Vi ba, Vi ba băng rộng rồi cáp quang. Tháng 10 năm 1993 tuyến cáp quang đầu tiên Hà Nội - T.P Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động, đến nay đã có hơn 6.000 Km cáp quang  vươn xa, toả rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

- Dung lượng đường truyền tăng lên nhiều lần: Tuyến trục Bắc - Nam dung lượng ban đầu: Vi ba từ 2 Mb/s năm 1990  đã nâng lên 140 Mb/s năm 1993.  Cáp quang: ban đầu từ 34 Mb/s năm 1993 đến năm 1996 nâng lên 2,5 Gb/s sử dụng công nghệ SDH, hình thành một xa lộ thông tin quốc gia, năm 2003 đã nâng lên 20 Gb/s sử dụng công nghệ DWDM tạo lên siêu xa lộ thông tin quốc gia.

- Hệ thống chuyển mạch: Năm 1990 có 2 Trung tâm với thiết bị lạc hậu, Năm 1992 Tổng đài số liên tỉnh đầu tiên TDX10, Hà Nội - T.P Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác, hình thành mạng Viễn thông quốc gia cấp I. Các năm  1995 -1996 với 03 Tổng đài Toll AXE -10: Hà Nội - Đà Nẵng - Hồ Chí Minh và năm 2001 Tổng đài Toll AXE-10 Cần Thơ được đưa vào khai thác , đã đáp ứng được nhu cầu chuyển mạch và phân tải lưu lượng liên tỉnh,  tăng độ an toàn cho mạng lưới.

- Công nghệ có bước chuyển biến nhanh, vượt bậc từ công nghệ kỹ thuật tương tự (Analog) sang công nghệ kỹ thuật số (Digital). Mạng lưới luôn được cập nhật các công nghệ Viễn thông tiên tiến nhất như: Công nghệ SDH, công nghệ ATM/IP, DWDM...Mạng thế hệ mới NGN công nghệ IP vừa được triển khai hoàn thành đưa vào khai thác (2004), đã nâng cao hiệu suất sử dụng truyền dẫn, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cung cấp nhiều dịch vụ Viễn thông đa dạng.

Mạng Viễn thông liên tỉnh trong những năm qua luôn hoạt động ổn định. Phục vụ kịp thời sự chỉ đạo của các cơ quan Đảng và chính quyền các cấp, các  nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội. Phục vụ  tốt các sự kiện chính trị trọng đại của Đất nước như: Phục vụ Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp(1997), Đại hội thể thao Đông Nam á lần thứ 22 (SEAGames 22), PARA games 2, Hội nghị á-Âu ASEM5 (2003) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và còn phục vụ nhiều sự kiện trọng đại khác. Ngoài ra công ty còn luôn chú trọng thông tin phục vụ một số khu vực nhạy cảm về chính trị như: Khu vực Tây bắc, Tây nguyên,Tây Nam Bộ...Triển khai, hoàn thành công trình thông tin giúp nước bạn Lào, phục vụ Hội nghị ASAN10 (2004).

Cùng với sự đầu tư phát triển mạng lưới, công ty luôn xác định việc bảo vệ an ninh, an toàn mạng lưới thông tin thông suốt, ổn định trong mọi tình huống là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.  15 năm qua mạng Viễn thông liên tỉnh chưa để xảy ra mất liên lạc làm gián đoạn thông tin nghiêm trọng nào. Đặc biệt trong cơn bão lịch sử và hai trận hồng thuỷ tràn vào miền trung gây ra ngập lụt trên diện rộng vào tháng 11-12 năm 1999 và năm 2000 do mạng lưới được hiện đại hoá, công nghệ tiên tiến, độ an toàn mạng lưới cao. Mặt khác được sự chỉ đạo sâu sát của  lãnh đạo công ty qua các thời kỳ, sự nhiệt tình của đội ngũ CBCNV, ngày đêm bám tuyến, bám trạm, nên mặc dù tuyến cáp quang trục Bắc - Nam bị sạt lở 10 điểm trên các đèo Hải Vân và PhướcTượng và hơn 60 điểm ngập lụt, nhưng thông tin vẫn được đảm bảo thông suốt, vật tư tài sản trang thiết bị được bảo vệ nguyên vẹn.

Song song với việc nâng cao chất lượng và mở rộng mạng lưới, công tác kinh doanh luôn được đơn vị hết sức coi trọng, công ty đã từng bước kiện toàn bộ máy kinh doanh, tiếp thị bán hàng cho phù hợp với môi trường cạnh tranh mới. Bên cạnh những dịch vụ Viễn thông truyền thống công ty đã cung cấp nhiều dịch vụ Viễn thông mới, thông minh, tiện ích và hiệu quả trên nền mạng NGN như: Dịch vụ 1800, 1900, 1719... Việc khai trương các dịch vụ mới trên nền mạng NGN đã đánh dấu một bước đột phá mới, bước chuyển mình mới của công ty Viễn thông liên tỉnh đó là: Đảm bảo kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở: ổn định, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững, đa dạng các dịch vụ viễn thông. Đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, công nghệ  từ phía khách hàng.

Công ty Viễn thông liên tỉnh luôn là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin vào sản xuất. Nhiều đề tài khoa học cấp ngành và cấp cơ sở và  nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý sản xuất kinh doanh, đã được áp dụng vào sản xuất làm lợi cho nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Thường xuyên chăm lo đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ, hàng năm công ty đã cử hàng trăm lượt cán bộ công nhân viên đi đào tạo trong và ngoài nước với những cấp trình độ khác nhau, thông qua nhiều hình thức đào tạo nhằm nâng cao, bổ túc, cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Công ty luôn coi trọng công tác thi đua khen thưởng, công tác chăm sóc sức khoẻ và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, coi đó là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển.  Thực hiện chế độ phân phối thu nhập theo  năng xuất, chất lượng và hiệu quả công việc được giao, đã động viên khuyến khích người lao động hăng say làm việc. Ngoài ra công ty còn là một đơn vị dẫn đầu, làm tốt các công tác  xã hội, tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, sống nghĩa tình với lớp người đi trước, với gia đình có công với cách mạng, chăm sóc 8 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, tham gia các quỹ xoá đói, giảm nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam và các quỹ từ thiện khác hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tổ chức Đảng, và các Đoàn thể được xây dựng, phát triển ngang tầm với sự trưởng thành của đơn vị. Đảng uỷ công ty và cấp uỷ các cấp đã phát huy cao độ vai trò hạt nhân lãnh đạo trong việc xây dựng chủ trương, cơ chế và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sự lớn mạnh và hoạt động có hiệu quả cao của công đoàn đã góp một phần rất lớn vào những thành tích chung mà đơn vị đã đạt được. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí minh với đội ngũ đoàn viên thanh niên trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám xông pha vào những công việc khó khăn vất vả đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động nữ CBCNV được đẩy mạnh với phong trào thi đua hai giỏi được duy trì liên tục và hiệu quả.

Với những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua Công ty Viễn thông liên tỉnh đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều Danh hiệu cao quý cho Tập thể và các Cá nhân như: Huân chương Lao động hạng Nhất; Nhì; Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba. Đặc biệt năm 2000, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho tập thể CBCNV công ty Viễn thông liên tỉnh và còn rất nhiều danh hiệu cao quý khác.

Những danh hiệu đó là sức mạnh tinh thần  tạo ra thế và lực mới cho phép công ty Viễn thông liên tỉnh chủ động tự tin tiến bước vào giai đoạn mới giành thắng lợi

Để có  được những thành tích như hôm nay cùng với sự quan tâm đầu tư thích đáng có hiệu quả của Lãnh đạo Ngành, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài Ngành, phải kể đến những nỗ lực phấn đấu, cố gắng vượt bậc của toàn thể CBCNV trong đơn vị. 

Công ty Viễn thông liên tỉnh luôn tự hào có  một đội ngũ CBCNV có truyền thống thi đua yêu nước, có trình độ giác ngộ chính trị cao, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, được rèn luyện và thử thách, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đủ khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại, quản lý và kinh doanh phục vụ với khối lượng ngày càng lớn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với gần 300 trạm viễn thông, phần lớn nằm trên núi cao, vùng sâu và hơn 6.000 Km cáp quang trải rộng khắp mọi miền tổ quốc, đi qua các địa hình phức tạp  - ở đó có những CBCNV của Viễn thông liên tỉnh - Những con người tận tâm, tận lực vì nhiệm vụ, chấp nhận cuộc sống ở những nơi xa xôi heo hút, trên những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ, đi lại khó khăn, thường xuyên bám tuyến, bám đường, bất kể núi lở, đường trơn hay mưa giông, bão giật. Chỉ với lòng yêu nghề tha thiết, với tinh thần lao động cần cù, những cán bộ công nhân ấy ngày đêm bám trụ trên mạng lưới, luôn giữ vững mạch máu thông tin thông suốt. Những con ngươì  ấy đã tạo nên một sức mạnh tập thể vô cùng to lớn, tạo nên một Viễn thông liên tỉnh phát triển hiện đại và bền vững như hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập (31/3/1990 - 31/3/2005), tập thể CBCNV công ty Viễn thông liên tỉnh đã được Bộ Bưu chính - Viễn thông trao tặng Trướng lưu niệm thêu Tám chữ vàng truyền thống: Trí tuệ - Năng động - Tiên phong - Vượt khó. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Bộ Bưu chính - Viễn thông và của xã hội với những đóng góp to lớn của công ty trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trần Mỹ Chiển

Bình luận

* Nhập tiếng Việt có dấu