VNPT: Nhiều nỗ lực thúc đẩy Internet về nông thôn
• 15:55 thứ hai ngày 12/12/2005
Là doanh nghiệp Nhà nước chủ lực, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) không chỉ có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà còn có trách nhiệm phổ cập các dịch vụ BC-VT công ích cho xã hội để xoá đi khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị. Hiện đã có hơn 93% số xã đã có báo đọc trong ngày, 98% xã trên cả nước đã có điện thoại. VNPT cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 7.500 điểm Bưu điện - Văn hoá xã, tại đó cung cấp một số dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản, thiết yếu cho người dân và phục vụ miễn phí việc đọc sách báo, tài liệu vv... Với mong muốn tạo điều kiện cho mọi người dân được sử dụng các dịch vụ mới, hiện đại, VNPT cũng đang tích cực đưa Internet về các vùng nông thôn.
Một trong những nỗ lực này là việc đưa Internet tới các trường học trong cả nước, được thực hiện theo chủ trương lớn của Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Giáo dục Đào tạo. Ngay trong năm 2003, VNPT đã tập trung hỗ trợ tối đa cho ngành GD-ĐT từ Trung ương tới các địa phương, đồng thời tích cực triển khai hạ tầng mạng lưới tại các địa bàn mà mạng chưa phủ tới. Đến cuối năm 2003, VNPT đã đưa Internet đến 246/246 trường ĐH, CĐ và học viện; 617/622 trường THCN và dạy nghề; 1923/2044 trường THPT; 185 sở và các phòng giáo dục; 78 trường THCS, tiểu học và mầm non. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ như tặng modem, miễn phí cước cài đặt, miễn cước truy nhập Internet và cước điện thoại nội thị (1giờ/ngày); áp dụng mức cước truy nhập (dial-up) thấp nhất trong khung (40 đồng/phút), cước sử dụngADSL (MegaVNN) bằng 70% mức cước sử dụng tối đa, cước thuê cổng, thuê kênh riêng nội hạt áp dụng như đối với các khu công nghiệp phần mềm (bằng khoảng 75% mức thông thường)... cùng nhiều chương trình khuyến mãi khác cho các trường. Nhằm tạo điều kiện sử dụng dịch vụ thuận lợi, VNPT đã phối hợp với các đối tác tài trợ hàng trăm máy tính cho nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, không có máy tính để kết nối Internet. Sau thành công bước đầu của chiến dịch đưa Internet về 100% trường đại học, cao đẳng, THPT, THCN và dạy nghề trên toàn quốc, hiện, VNPT đang tiến hành đưa Internet về các trường THCS và tiểu học.
Ngoài ra, VNPT cũng đã rất tích cực đưa Internet về các điểm Bưu điện - Văn hoá xã. Điểm BĐ-VH xã lâu nay đã trở thành điểm sáng mới ở nông thôn, nơi người dân lui tới sử dụng dịch vụ BCVT và đọc sách, báo. Như vậy, đưa Internet về đây là tăng cường thêm một phương tiện thông tin hiện đại trực tiếp đến cho người dân. Chưa kể thời gian mở cửa của các điểm BĐ-VH xã không chỉ bó hẹp trong giờ hành chính như UBND cũng như trường học; và có đến 80% điểm BĐ-VH xã đều nằm ở khu vực trung tâm hành chính của xã.
Hiện, VNPT đã có 2.379 điểm trên hơn 7.500 điểm BĐ-VH xã đã có Internet. Trong số này 2.206 điểm được truy cập Internet gián tiếp, còn lại là sử dụng ADSL. Do nhu cầu sử dụng, VNPT đã lắp đặt tới 2 máy vi tính nối mạng cho một số điểm, đồng thời cũng đã nghiên cứu một cơ chế thoáng hơn cho các nhân viên điểm BĐ-VH xã tự trang bị máy tính nối mạng và hưởng hoa hồng dịch vụ nhằm để khuyến khích nhân viên phục vụ tăng doanh thu cho điểm BĐ-VH xã. VNPT và 2 đơn vị trực thuộc là Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) và Công ty Phát triển phần mềm và Truyền thông VASC cũng đã có một số trang web có nội dung thông tin phục vụ bà con nông dân như: website
http://www.vnpt.com.vn, website
http://www.vnn.vn và website Cổng thông tin quốc gia cùng chuyên trang điểm BĐ-VH xã tại địa chỉ
http://www.vietnamgateway.org... Các website này bước đầu đã đáp ứng nhu cầu thông tin cơ bản của người dân.
Một số Bưu điện tỉnh đã có sáng kiến thúc đẩy tiến trình đưa Internet về nông thôn. Điển hình phải kể đến Bưu điện tỉnh Bắc Ninh với mô hình điểm Bưu điện - Nhà văn hoá cơ sở, được triển khai tại các thôn trong toàn tỉnh. Nếu như điểm Bưu điện - Văn hoá xã là nơi gắn kết, sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân trong phạm vi rộng của một xã thì điểm Bưu điện - Nhà văn hoá cơ sở góp phần rút ngắn hơn khoảng cách về địa lý cho người dân. Cũng giống như điểm Bưu điện - Văn hoá xã, Bưu điện - Nhà Văn hoá cơ sở được xem là đầu mối cung cấp các dịch vụ công, phổ biến khoa học kỹ thuật và giao tiếp các sở, ngành với người dân trên địa bàn nông thôn qua môi trường Internet. Chính vì thế, mô hình này, khi vừa ra đời, đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân.
Theo chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm thì năm 2005, VNPT đang phấn đấu sẽ hoàn thành 100% xã có điện thoại. Nhằm quyết tâm đạt chỉ tiêu này, một giải pháp mới về mạng đã được VNPT triển khai. Mới đây, ngày 09/11/2005, tại Trung tâm Kỹ thuật viễn thông quốc tế Quế Dương, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) thuộc VNPT và đối tác là Công ty Shin Satellite Plc (Thái Lan) đã chính thức khánh thành trạm cổng VSAT-IP/IPSTAR quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Đây là giải pháp mạng băng rộng thế hệ mới sử dụng hệ thống vệ tinh iPSTAR, tạo ra khả năng mới để tăng cường phổ cập dịch vụ viễn thông và Internet tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa có địa hình hiểm trở, rất khó khăn trong việc triển khai mạng viễn thông.
Tính đến thời điểm này, VTI đã hoàn thành khâu lắp đặt, kết nối mạng lưới cho 97 trạm tại các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo kế hoạch, sẽ có 115 trạm vệ tinh thuê bao (UT) được lắp đặt cho 17 tỉnh, thành. Trước mắt, VSAT IP sẽ được VNPT đưa vào để phục vụ cho chương trình đưa điện thoại, Internet... tới 100% xã và trường học trên cả nước. Xa hơn nữa, VSAT IP sẽ phục vụ cho các hoạt động giao dịch điện tử như: Chính phủ điện tử, Thương mại điện tử... Vào đầu năm 2006, VTI sẽ cung cấp 3 dịch vụ gia tăng tiện ích trên nền hệ thống VSAT IP gồm: điện thoại trên nền IP (VoIP); Dịch vụ Internet băng rộng và Kênh thuê riêng, mạng riêng ảo (VPN).
Như vậy, người dân nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, có thể hy vọng sẽ sớm được sử dụng dịch vụ Internet đầy tiện ích.
Theo:
www.vnpt.com.vn